Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 sẽ diễn ra tại Việt Nam từ ngày 11/9 đến 13/9 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4". Trao đổi với VnExpress bên lề cuộc họp báo chiều nay, Chủ tịch WEF - Borge Brende nhận định: "Việc tổ chức diễn đàn sắp tới tập trung vào Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã cho thấy sự nhiệt tình và sẵn sàng của Việt Nam trong lĩnh vực này".
Ông đánh giá với tốc độ tăng GDP gần 7% năm ngoái, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, để tiếp tục đà tăng này, điều kiện tiên quyết là phải có thêm nhiều chính sách đón đầu trong kỷ nguyên 4.0, đồng thời áp dụng các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet vạn vật và khối chuỗi.
Chủ tịch WEF - Borge Brende trong một sự kiện hồi tháng 1. Ảnh: AFP |
"Nếu muốn định hình mọi thứ trong thế kỷ 21, bạn cần những công nghệ này. Tức là phải có đủ nguồn lực về nghiên cứu và phát triển. Hãy đầu tư vào sinh viên, các trường đại học và công nghệ", ông nói.
Thời gian gần đây, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về mức độ cải thiện trong nền kinh tế. Chủ tịch WEF cũng dẫn báo cáo của tổ chức này, công bố tháng 9/2017, cho thấy khả năng cạnh tranh và năng suất của Việt Nam đang tăng lên. Ông nhận định các cải tổ mà Chính phủ đang thực hiện đóng vai trò rất quan trọng. Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn.
"Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng. Điều này cho thấy cộng đồng quốc tế đang rất hào hứng. Sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc cải tổ cũng sẽ mang lại kết quả tốt trong tương lai", ông nói, "Dù vậy, thách thức với Việt Nam là cần tiếp tục những cải tổ liên quan đến tính cạnh tranh, quan liêu và mở cửa thị trường". Bên cạnh đó, ông Brende cũng khuyến khích doanh nghiệp Việt tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài.
Nhận định về căng thẳng thương mại gần đây giữa các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch WEF cho rằng "còn quá sớm để kết luận về ảnh hưởng của việc này lên Việt Nam". Nếu tránh được căng thẳng leo thang, các tác động sẽ nhỏ đi và ngược lại.
Ông cũng cho biết mục tiêu của WEF là tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, họ sẽ đưa các bên đến gần nhau hơn và hỗ trợ đàm phán. Ông kỳ vọng các nước tìm được tiếng nói chung để xoa dịu căng thẳng và ngừng trả đũa bằng thuế nhập khẩu.
"Thương mại là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện trên cơ sở sân chơi công bằng", ông kết luận.
WEF ASEAN 2018 là một trong những hội nghị lớn và quan trọng nhất của WEF trong khu vực. Sự kiện năm nay có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả và lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Hội nghị dự kiến có 55 phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề về khởi nghiệp và mô hình kinh tế mới trong kỷ nguyên số. Nhiều sự kiện bên lề cũng sẽ được tổ chức, trong đó có một diễn đàn doanh nghiệp vào chiều ngày 13/9, có sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên WEF cùng khoảng 23.000 công ty Việt Nam. |
Hà Thu
Nguồn: kinhdoanh.vnexpress.net