Chung cư Tô Hiến Thành (phường 12, quận 10) một dự án nhà ở xã
hội hiếm hoi tại Tp.HCM. Ảnh: Hoàng Đông
Theo thông tin từ ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng, các khu đất nói trên nằm rải rác ở nhiều quận huyện như quận 4, 6, 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi. Hiện tại, Nhà nước đang trực tiếp quản lý các khu đất này.
Trong đó, UBND quận, huyện đã xác định chỉ tiêu quy hoạch của 8 khu đất làm cơ sở để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Khu đất còn lại có diện tích gần 12.000 m2 nằm ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) cũng đã được xác định chỉ tiêu quy hoạch với khoảng 540 căn hộ.
Đấu thầu chọn chủ đầu tư
Cũng theo thông tin từ ông Trần Trọng Tuấn, Sở Xây dựng đã kiến nghị với UBND TP trước mắt sẽ cho tổ chức đấu thầu mời gọi đầu tư để các nhà đầu tư đăng ký. Với những khu đất chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thì việc công nhận chủ đầu tư sẽ thực hiện theo quy định của Luật nhà ở. Trường hợp khu đất có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký thì cần có hướng dẫn của Bộ Xây dựng về đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết, hiện nay việc mời gọi xây dựng dự án nhà ở xã hội trên các khu đất công chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Bởi theo quy định, dự án nhà ở xã hội do Nhà nước chỉ định đầu tư phải có 20% căn hộ dành để cho thuê, 60% căn hộ bán theo giá do Nhà nước thẩm định. Với 20% căn hộ còn lại, chủ đầu tư được phép kinh doanh và lợi nhuận định mức tối đa của dự án là 10%.
Trước đây, Sở Xây dựng từng mời gọi xây dựng dự án nhà ở xã hội trên khu đất rộng hơn 7.000 m2 ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức nhưng chỉ có hai nhà đầu tư đăng ký tham gia. Sau khi thẩm định thì cả hai đều không đáp ứng được yêu cầu theo quy định về đấu thầu. Hiện quy trình lựa chọn chủ đầu tư của dự án này đang được Sở thực hiện lại.
Vị trí và diện tích 9 khu đất vừa được UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương mời gọi
nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Đồ họa: Tấn Đạt
Vẫn còn thủ tục cản trở
"Quy định người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội phải có thu nhập từ 9 triệu trở xuống nhưng lại buộc người dân chứng minh có khả năng trả nợ vay mua nhà là điều trái khoáy." Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM) |
Cũng theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội thì phải tự xét các điều kiện của người mua nhà. Sau đó, doanh nghiệp cần gửi danh sách người mua đến Sở Xây dựng để kiểm soát, nhằm tránh việc chồng chéo ưu đãi chính sách nhà ở xã hội cho cùng một người. Về việc xem xét điều kiện của người mua nhà, cơ quan nhà nước sẽ không can thiệp.
Theo TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu và phát triển Tp.HCM), với các quy định như hiện nay, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội.
Chẳng hạn, người mua nhà phải có thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống và phải có xác nhận thu nhập của cơ quan chức năng. Nhưng với người làm nghề tự do thì làm sao xác nhận được? Bên cạnh đó, các thông tin về dự án nhà ở xã hội rất ít, không phổ biến rộng rãi nên những người nằm trong nhóm đủ điều kiện mua nhà lại không biết hỏi ở đâu.
Người dân chung cư Useful Apartment (đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình). Đây
cũng là một dự án nhà ở xã hội ở Tp.HCM. Ảnh: Phước Tuần
Về vốn cho nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện quá ít (Tp.HCM mới chỉ được cấp 50 tỉ đồng). Trong khi đó, các điều kiện vay lại rất khó khăn như người mua phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội tại ngân hàng này một năm, căn hộ mua phải không bị thế chấp...
Chưa kể người dân còn bị làm khó bởi các thủ tục xác nhận thu nhập, xác nhận về diện tích nhà ở khi các đơn vị sử dụng người lao động không muốn chịu trách nhiệm. Và dù có quy định về việc hỗ trợ bù lãi suất cho người dân vay tiền ở các ngân hàng thương mại để mua nhà ở xã hội nhưng nguồn tiền để bù lãi suất lại chưa có...
Trước những khúc mắc trên, TS Dư Phước Tân cho rằng nên đưa thị trường nhà ở xã hội thành thị trường tự do, không nên giữ quan niệm rằng việc được mua nhà ở xã hội là một đặc quyền với người thu nhập thấp, người thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội để rồi lại xuất hiện tình trạng chuyển nhượng "quyền được mua" sau đó hưởng chênh lệch. Theo đó, Nhà nước chỉ ưu đãi cho chủ đầu tư để giảm giá thành nhà ở và để người có thu nhập thấp tự mua, không phải bù lãi suất hay vay ưu đãi.
* Ông Trần Trọng Tuấn (giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM): Kiến nghị Chính phủ bố trí ngân sách cho vay mua nhà ở xã hội
Tính từ năm 2016 đến nay, đã có 7.974 căn hộ nhà ở xã hội được hoàn thành tại Tp.HCM. Hiện trên địa bàn cũng có 11 dự án nhà ở xã hội đang thi công xây dựng với quy mô là 10.191 căn hộ. Ngoài ra còn có 6 dự án chuẩn bị khởi công với quy mô dự kiến khoảng 2.216 căn hộ. Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để các doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người dân vay vốn để tạo lập nhà ở. Đồng thời, có hướng dẫn thực hiện chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay nhà ở xã hội (mức chênh lệch lãi suất được ngân sách cấp bù là 3%/năm áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020). Với hướng làm này, nhiều người sẽ tiếp cận được nguồn vốn vay. Lúc đó, ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội còn có các ngân hàng thương mại cùng tham gia cho vay dưới hình thức cấp bù phần chênh lệch lãi suất. * Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM): Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia
"UBND TP dành đất để tổ chức đấu thầu chọn chủ đầu tư xây nhà ở xã hội là rất tốt. Theo tôi, giai đoạn này đưa các dự án ra đấu thầu chọn nhà đầu tư là hợp lý và sẽ có rất nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu sau khi cơ quan chức năng thông tin rộng rãi. Các doanh nghiệp muốn có công trình để quay vòng vốn, duy trì công việc. Nếu làm tốt dự án nhà ở xã hội cũng giúp uy tín doanh nghiệp tăng lên trong thị trường." |